Mùa “đỉnh điểm” các bệnh hô hấp, trẻ nhập viện tăng vọt

Thứ năm - 02/10/2014 09:29

Mùa “đỉnh điểm” các bệnh hô hấp, trẻ nhập viện tăng vọt

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết số bệnh nhân viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản tăng mạnh trong thời điểm này. Quá nửa bệnh nhân đến khám mắc các bệnh lý về hô hấp và tình trạng này còn kéo dài hết tháng 10.
Trẻ tái ốm liên tiếp vì thời tiết
 
Trẻ mắc bệnh hô hấp tăng vọt vì chuyển mùa. Ảnh: H.Hải
Trẻ mắc bệnh hô hấp tăng vọt vì chuyển mùa. Ảnh: H.Hải
 
Ngày 1/10, tại khoa Nhi, trong tổng số 136 bệnh nhân đang nằm viện, có rất nhiều bệnh nhi bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Tổng số ca khám ngày, khám đêm đều tăng lên khoảng 300 trẻ, trong đó quá nửa bệnh nhân đến khám vì các bệnh lý đường hô hấp.

Trước đó, đêm 30/9, tại khoa Nhi số lượng bệnh nhân khám, nhập viện đều tăng vọt. Trong tổng số gần 70 ca khám đêm thì có 25 bệnh nhi phải nhập viện, trong đó số trẻ mặc bệnh hô hấp chiếm quá nửa. Hầu hết các ca bệnh đến khám và nhập viện do bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện rõ rệt là hắt hơi, sổ mũi, ho ngày càng tăng, ho nhiều, có đờm, đau họng, viêm phế quản. Ở trẻ nhỏ thì có biểu hiện bỏ bú, khó thở, ho do tắc đờm. Đặc biệt là những trẻ hen phế quản, thời tiết này khiến tình trạng ho, rít vì hen rất nặng nề. Có những bé, cả một mùa hè không phải dùng xịt dự phòng hen, nhưng thời điểm này, dùng liên tục vẫn có cơn ho, rít và hen phế quản cũng bắt đầu tăng mạnh. Ở những trường hợp nhỏ dưới 6 tháng tuổi bệnh cũng diễn tiến nhanh cấp tính và thường phải nằm ở viện lâu hơn vì khó uống thuốc.

Chị Nguyễn Duyên (Xã Đàn) cho biết, con trai 3 tuổi của chị vừa dứt đợt điều trị viêm phổi được 5 ngày, chưa kịp đi lớp trở lại thì bé lại đột ngột sốt cao, đi khám lại bé lại buộc phải dùng kháng sinh vì viêm họng mủ. “Nghe bác sĩ giải thích, tôi mới biết con bị nhiễm lạnh. Đêm mát hơn, lại sợ con ốm tối ngủ không dám bật điều hòa mà chỉ bật quạt. Lắm lần tỉnh giấc vì gió lạnh, thấy con cũng nằm thu lu một góc, chân tay giá. Chỉ chưa đầy 1 tuần mà con phải uống 2 đợt kháng sinh”.

TS Dũng cho biết, thông thường, số bệnh nhân nội trú chỉ khoảng 90 - 100 trẻ, nhưng đang trong giai đoạn giao mùa, số bệnh nhân hô hấp phải nhập viện tăng lên, khiến bệnh nhân nội trú cũng tăng lên.

“Năm nào cũng vậy, tháng 9, tháng 10 là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp. Trẻ ho, sốt vào viện khám rất nhiều, đặc biệt là sốt vi rút. Chúng tôi phải phân loại trẻ rất kỹ, chỉ những trẻ viêm tiểu phế quản, viêm phổi có suy hô hấp mới chỉ định nhập viện để tránh quá tải, còn các bệnh hô hấp khác đều điều trị ngoại trú. Đáng nói, không ít trường hợp, có trẻ vừa điều trị viêm phổi 1 tuần, đang chuẩn bị xuất viện lại bị sốt, khám lại đã bị viêm tiểu phế quản phổi", TS Dũng nói.

Tại BV Nhi trung ương, số trẻ đến khám vì các bệnh lý hô hấp cũng bắt đầu tăng nhanh từ cuối tháng 8. Trong tổng số 2.500 - 3.000 trẻ khám/ngày thì quá nửa là bệnh lý về hô hấp như sốt vi rút, ho, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, lượng bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện tại không tăng, thậm chí giảm chút ít.

Theo TS Dũng, nguyên nhân của tình trạng gia tăng mạnh các bệnh lý về đường hô hấp là do thời tiết miền Bắc đang chuyển từ thu sang đông; ngày nóng, sáng và đêm se se lạnh. Kiểu thời tiết này khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm nồng độ vi khuẩn, vi rút trong không khí tăng lên khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp tăng lên trong thời gian gần đây.

Sự thay đổi thời tiết như hiện nay cực “nhạy” với trẻ em. Với nền nhiệt ngày nắng hanh, trong khi sáng sớm và đêm thì trời lạnh, khiến đường hô hấp của trẻ dễ dàng bị vi rút, vi khuẩn tấn công, gây bệnh.

Diễn biến nhanh ở trẻ nhỏ

Vì bệnh lý hô hấp mang tính chu kỳ, tăng đỉnh điểm vào tháng 9 - tháng 10 nên số trẻ nhập viện tăng, bệnh nhi phải nằm ghép. TS Dũng cho biết, để hạn chế trẻ nằm ghép, hiện khoa thực hiện phân loại bệnh nhân ngay từ đầu. Với các bệnh đường hô hấp trên, trẻ chỉ sốt, ho, viêm họng do vi rút thông thường thì được kê đơn điều trị ngoại trú. Chỉ những trẻ có biểu hiện ho, viêm phổi, sốt cao có dấu hiệu suy hô hấp, biến chứng phổi mới nhập viện theo dõi điều trị.

Với những bệnh nhi ngoại trú, bác sĩ yêu cầu cha mẹ phải theo dõi sát diễn biến của trẻ, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh diễn biến bệnh cực kỳ nhanh. Với nhóm tuổi này, các bậc phụ huynh cần chú ý 3 dấu hiệu cơ bản để xác định tình trạng bệnh của bé, kịp thời đưa tới viện. Đó là theo dõi quá trình bú, khi bé ngủ và cách thở của bé.
 
Phần lớn bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, viêm phổi phải nhập viện l� trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Ảnh: H.Hải
Phần lớn bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, viêm phổi phải nhập viện là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Ảnh: H.Hải

Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú rồi bé lại có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường, quấy khóc) thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ. Lúc này, ngoài quan sát cách thở của bé qua cánh mũi (khi thở, hai cánh mũi phập phồng lên xuống rõ ràng), thì nên vén áo lên để quan sát ngực con. Thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diến biến nặng. Ở trẻ nhỏ, viêm phổi diễn tiến rất nhanh, nên việc phát hiện, đưa con đi khám sớm là vô cùng quan trọng, phòng biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Tuy nhiên, có những trẻ chỉ có một biểu hiện trong ba biểu hiện đó nhưng đã bị viêm phổi. Vì thế, cha mẹ không nên “đợi” có đầy đủ dấu hiệu mới đi khám mà thấy trẻ có bất thường về giấc ngủ, hay thấy thở nhanh thì nên đưa con đi khám sớm nhất.

Theo BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), để phòng bệnh hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa cần rất chú ý giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng. Nhiều trẻ chỉ vì bố mẹ quên để quạt đêm rồi ngủ quên, trẻ có thể nhiễm lạnh và mắc bệnh. Ngoài ra, cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình. Vì hầu hết các bệnh lý này đều lây qua đường hô hấp, nên khi trong gia đình có người bị hắt hơi, xổ mũi cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác.

Cho trẻ ăn phong phú, uống đủ nước, chơi ở nơi thoáng mát. Với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ của trẻ cần vệ sinh sạch sẽ, không nên dùng tấm trải sàn. Ngoài ra cũng cần chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình (khiến trẻ hít phải bụi, mốc từ sách mà bị viêm mũi dị ứng, lên cơn hen). Đã có rất nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện sau khi cho trẻ chơi, đọc những quyển sách đó.

Hồng Hải

Nguồn tin: báo dân trí

 Tags: bệnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Wildcard SSL