NỖI NIỀM 27-2: Hết đau rên, quên thầy thuốc

Thứ tư - 26/02/2014 19:48

NỖI NIỀM 27-2: Hết đau rên, quên thầy thuốc

Chắc không ai trong chúng ta không từng là bệnh nhân của 1 căn bệnh bất kỳ dù nặng hay nhẹ, cũng không ít người trong chúng ta đã từng được gặp, được sự thăm khám, chăm sóc và điều trị của bác sĩ, thầy thuốc...

Thế mà có mấy ai trong chúng ta còn nhớ đến họ - những chiến sỹ áo trắng?! 

Hết rên, quên thầy...

Âu thì cái thói quen ấy cũng là thuận theo tự nhiên thôi… Khi có bệnh thì vái tứ phương, thập tử nhất sinh thì chỉ mong gặp đúng thầy đúng thuốc để “sống sót”… Nhưng khi “sống sót” rồi thì đủ các lẽ để quên. Người “nhẹ” thì còn bận mưu sinh không nhớ, người “nặng” thì bảo “tôi khám tôi chữa tôi trả tiền” chứ mấy ai nghĩ “tiền mất tật mang”. Ngẫm ra, nhiều người từ cõi chết trở về thì cái tiền ấy có đủ để đổi lấy cái mạng không?

Có ở lại ICU (Trung tâm cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy) một đêm mới chứng kiến hết cái khổ của các bác sỹ, y tá và các điều dưỡng viên ở đây… Tiếng bước chân vội vã, tiếng gọi nhau khẩn trương, xen với tiếng la khóc của bệnh nhân, tiếng năn nỉ  thảm thiết của người nhà bệnh nhân… rồi tiếng các loại thiết bị y tế chạy suốt đêm ngày mới thấm thía hết cái “sức người vô hạn” của người thầy thuốc, suốt ngày đêm 24/24 như những con thoi… 

Cứ như thế, những ngày những tháng những năm tiếp nối nhau, người thầy thuốc chỉ biết cứu người và cứu người không mệt mỏi. Từng giây phút, họ cố gắng giành giật từng mạng người từ tay tử thần cho đến khi thả tay và trả họ về cho số phận… Để rồi, cũng chính những người thầy thuốc ấy, họ phải nghe…

Những điều chúng ta thường nghe…

Không ít người trong chúng ta đã từng buông lời chê trách các bác sỹ, rằng họ là những người “tim sắt” hay “máu lạnh”, trong khi người nhà chúng ta nằm rên hừ hừ hay vật vã vì cơn đau hành hạ, họ vẫn thản nhiên yêu cầu chờ kết quả xét nghiệm... 

Tôi đã có lần nghe một bệnh nhân chửi rằng: Bác sĩ làm *** gì mà không cứu được bệnh nhân? Cái đám ấy chỉ biết có tiền! Thời này làm gì có “lương y như từ mẫu”, chỉ là đám “lương y như mẹ ghẻ” thì có!

Tôi đọc trên báo những cái tít giật gân: “Bác sỹ để quên dao mổ trong người bệnh”, “Tham tiền bác sỹ làm oshin cho trình dược viên”, “Bác sĩ ném xác bệnh nhân để phi tang”…

Sao ta không hiểu, không có kết quả xét nghiệm hay chụp chiếu, thì bác sỹ không biết chính xác bệnh mà ra y lệnh điều trị, dùng sai thuốc thì có khi cũng nguy hiểm ngang giết người?

Sao ta không nghĩ nghề y cũng như bao nghề khác, nếu những đồng tiền bác sĩ kiếm ra từ mồ hôi và một cách chân chính thì khao khát làm giàu có gì sai? Nếu bác sĩ giỏi sống được bằng nghề y thì chính là chúng ta đang được hưởng lợi vì có họ trong đội ngũ những người ưu tú chữa bệnh cứu ta?

Sao ta cứ cố lờ đi, cố đổ đồng cho cả một danh từ chung “bác sỹ” khi đây đó có những “con sâu làm rầu nồi canh”? Biết bao tấm gương “lương y như từ mẫu” hay những “anh hùng lao động” trong ngành y có khi cả đời không được lên mặt báo hay ẩn đâu đó dưới những cái tít mờ nhạt?

Những điều chúng ta không biết…

Ngành y tế cách mạng Việt Nam hôm nay lớn mạnh với những thành tựu không thua gì những nước tiên tiến với 26 công trình vừa được công nhận là thành tựu y dược nổi bật thuộc 11 lĩnh vực: ghép tạng, can thiệp tim mạch/ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương/chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa, y học cổ truyền, sản xuất vaccine/sinh phẩm y tế, dược và chuyển giao công nghệ trong năm 2013. Bên cạnh những tiếng vang đó thì từng giờ, từng phút, từng ngày các thầy thuốc vẫn lặng lẽ bên những bệnh nhân của mình, cống hiến không cần bất cứ 1 sự kể công, ca ngợi, khen chê nào… 

Và không chỉ là nghề… 

Ông Nội tôi, một thầy thuốc ưu tú thuộc lớp y tá trưởng đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy, vẫn căn dặn ba tôi khi ông nối nghiệp: Cần thương người như thể thương thân con ạ!

Ông tham gia xây dựng con Kênh Nhà thương tại tỉnh Long An từ hồi đầu kháng chiến chống Pháp. Con kênh dài hơn 10km chuyên chở các bệnh nhân từ bưng biền ra để điều trị bệnh… Những người bệnh được ông tôi cứu sống rồi yêu quý cái tâm của ông mà theo nghề… Chỉ có bà tôi là bất bình: Ông chưa đủ mệt hay sao còn hướng ba đứa con rồi người này người kia theo nghề?! Nhưng rồi, tôi chắc chính bà cũng đã vui khi chứng kiến ông, ba và các chú rồi cả mẹ tôi tranh luận say sưa về 1 ca mổ sắp thực hiện của ba… Mấy chị em tôi vẫn hay nói vui rằng “người ta hội chẩn khoa, liên khoa, nhà mình hội chẩn gia đình”.

Cứ thế, nghề nối nghề, nghiệp nối nghiệp, đại gia đình tôi cũng như biết bao cô chú anh chị khác đã cống hiến cả tuổi xuân, sức khỏe cho nghiệp “cầm kim tiêm”… Có lúc nào rảnh để chạnh buồn thì mọi người chỉ tự nhủ “nghề là nghiệp”, mà đã trót mang lấy nghiệp vào thân, thì không trách trời gần trời xa…

Vẫn còn đó một chữ ơn…

Có lần nhân một phóng viên có hỏi mẹ tôi về nghề y nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, bà trả lời: 

Nếu như ngày 20.11, chúng tôi thấy hoa ngập đường, các em học sinh ríu rít đến thăm thầy cô thì ngày 27.2 hàng năm, chỉ có những người thầy thuốc  chúng tôi vui cùng nhau… Rất cảm ơn Bác Hồ đã cho chúng tôi một ngày là ngày 27-2 để an ủi những người làm nghề y.

Và rồi thì ai nhớ ai quên, người chèo đò vẫn phải chèo đò, chúng tôi vẫn phải bước tiếp con đường đã chọn theo lời dặn dò của ông tổ nghề y Hypocrate.

27-2-2014
Thương kính tặng Ông Nội, Ba Mẹ, 2 Chú và các thầy thuốc Việt Nam
Phan Thị Diệu Thùy

Nguồn tin: http://megafun.vn/

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Wildcard SSL