Ai còn mơ một nền y tế...

Thứ sáu - 09/10/2015 09:41
Từ chỗ nhiều nơi, các cấp ủy đảng, chính quyền còn coi công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ của riêng ngành y tế thì đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 46 - NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hầu hết đã nhận thức rõ đó là trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân, toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, trong đó ngành y tế là nòng cốt về chuyên môn, kỹ thuật. Nhờ đó công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực, một số kết quả đạt được cao hơn mục tiêu đề ra. 
Ai còn mơ một nền y tế...


Cốt lõi căn nguyên của thực trạng trên là do từ rất lâu trước đây, chúng ta chìm quá sâu trong cơ chế bao cấp. Xuỵch cái ốm đau đến bệnh viện, đã có “Nhà nước lo” từ viên thuốc, mũi kim đến mổ xẻ, chiếu chụp... Nhưng, ngoảnh lại nhìn cái sự “Nhà nước lo” ấy, người viết bài này vẫn không khỏi rùng mình bởi bao nhiêu năm cha ông và cả tôi thật diệu kỳ khi có thể vượt qua thời kỳ đói đủ thứ, kể cả sức khoẻ, mà vẫn còn sống được, sinh con đẻ cái đàn đàn lũ lũ đến tận bây giờ ấy. Nay mỗi lúc nhớ lại cái thời chưa xa ấy, kể lại cho con cháu nghe, chúng chả tin... 

Bây giờ, người dân tha hồ chọn cách để tự chăm sóc sức khoẻ cho riêng mình. Người có tiền thì chả phải nói tha hồ “bơi” trong hàng hà xa số cơ sở chữa bệnh. Người không có tiền, thì mua BHYT. Khám địa phương, khám trung ương, khám vượt tuyến, khám tư nhân..., thôi thì đủ cả. Thậm chí có người cùng một triệu chứng cứ đi khám mấy nơi rồi “chung kết” cách điều trị, mới yên. Có được như vậy, trước hết, phải kể đến sự đổi mới của cả một thống y tế từ trung ương đến địa phương theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. 


Đảng và Nhà nước luôn chú trọng quan tâm đến chăm lo sức khoẻ nhân dân - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một lần đến thăm BV Lão khoa Trung ương. Ảnh Trần Ngọc Kha

Y tế nước ta đã và đang phát triển đồng thời cả về phổ cập và y tế chuyên sâu, y tế công lập và ngoài công lập, trong đó y tế công lập giữ vai trò chủ đạo. Riêng mạng lưới y tế công lập hiện nay được triển khai rộng khắp từ thôn/bản, xã/phường, huyện (mạng lưới y tế cơ sở) đến tuyến tỉnh và trung ương. Các cơ sở y tế đã và đang được củng cố, hoàn thiện và phát triển, được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong ít nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, rộng khắp, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bây giờ, ai có dịp đến các địa phương sẽ thấy rất nhiều nơi, kể cả vùng sâu, cùng xa, vùng hải đảo khó khăn làm được nhiều loại hình y tế kỹ thuật cao. Y tế dự phòng phủ kín toàn quốc... Người dân ở những nơi này khỏi lo thiếu tiền chữa bệnh khi cả nhà nước và xã hội cùng chung tay xây dựng và thực hiện chính sách BHYT toàn dân. Từ mức trên 28% dân số tham gia BHYT năm 2005 mà chủ yếu là người làm công ăn lương, người nghèo được nhà nước hỗ trợ mua thẻ, đến hết năm 2014, tỷ lệ này đã đạt 71,6% , tổng số thu bảo hiểm y tế ước đạt hơn 53.000 tỷ đồng, tổng số chi ước đạt hơn 45.500 tỷ đồng. Chính phủ đã quyết định nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, hỗ trợ người cận nghèo 70% mệnh giá thẻ, khuyến khích các địa phương sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo tham gia BHYT.

Tuy nhiên... Nếu như cả nước hiện có 171 bệnh viện tư nhân với 10.690 giường bệnh, chiếm 11% tổng số các bệnh viện trong cả nước, trong đó có 6 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài, khoảng 35.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế thì tỷ lệ giường bệnh viện tư nhân mới chỉ đạt khoảng 4% tổng số giường bệnh, tương đương đạt khoảng 1 giường bệnh/vạn dân (!!!). Trong khi đó, một điều không thể phủ nhận: Xã hội hoá hay phát triển y tế tư nhân đã và đang không chỉ là xu hướng cần thiết mà còn là tất yếu để tăng cường cạnh tranh, phát triển. Đây đang còn là một thách thức rất lớn đối với những người làm chính sách y tế. Vậy đâu là lực cản y tế tư nhân? Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân là do cơ chế giá thành dịch vụ y tế công lập ở ta còn quá thấp. Y tế công lập được bao cấp bao nhiêu năm, “tận răng”, nay mới ì ạch “bò”, “trườn” với cấu thành giá mãi gần đây mới tăng đến được 3-4/7 cấu thành cần thiết, tối thiểu. Còn đợi đến toàn ngành y tế tăng được cả 7 cấu thành giá dịch vụ y tế thì, có người nói, “Lớp già chúng tôi đã biến khỏi sang thế giới bên kia mất rồi(!)”. Người ta “lo” tăng giá dịch vụ y tế công lập thì “Người nghèo lấy tiền đâu chữa bệnh?”, thì “Làm gì còn công bằng xã hội?”, “Làm gì còn sự ưu việt của chế độ XHCN nữa?”, v.v... và v.v... Thực chất đấy chỉ là ngụy biện của những người còn bảo thủ mà thôi, Phó Giám đốc BV Việt Đức Trần Bình Giang nhận định. Tất cả những cái gọi là “hệ luỵ” khi tăng giá viện phí mà người ta đưa ra nói trên thực ra đều đã và đang được Nhà nước giải quyết bằng nhiều giải pháp cả rồi. Nào đảm bảo bảo quyền tự chủ cho các cơ sở khám chữa bệnh với Nghị định 43 của Chính phủ, nào cơ chế cho phép các cơ sở công trong đó có y tế công lập huy động vốn, vay vốn hay liên doanh liên kết với bên ngoài để làm ăn theo Nghị quyết 93 của Chính phủ... Và mới đây là cả một bộ luật riêng về BHYT nữa với rất nhiều giải pháp hỗ trợ người dân ở mọi hoàn cảnh được chăm sóc sức khoẻ một cách chu đáo. Kêu quen mồm, là “bệnh”, là thói của những người quanh năm không chịu cập nhật thông tin hay bảo thủ, cố thủ trong những tháp ngà. Hãy tỉnh đi hỡi những ai còn mơ màng, khi chúng ta bước vào thế kỷ thứ 21 chừng đã 15 thì xuân sắc.

Trần Ngọc Kha
 

Nguồn tin: bacsinoitru.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Wildcard SSL