Bỏ giường bệnh dịch vụ: Xóa công tư lẫn lộn!

Thứ năm - 04/06/2020 22:27
Bệnh viện công phải phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân trước, khi chưa đáp ứng được thì chưa thể tính đến chuyện kinh doanh bằng việc phục vụ người giàu.
Bỏ giường bệnh dịch vụ: Xóa công tư lẫn lộn!

Bỏ giường bệnh dịch vụ là việc làm đáng hoan nghênh

Thông tin Bệnh viện Bạch Mai giảm giường bệnh dịch vụ, tiến tới xóa giường bệnh dịch vụ thu hút sự chú ý của dư luận. Bởi từ trước đến nay những bất cập tồn tại song song hai loại hình công, tư trong cùng một bệnh viện đã được dư luận chỉ ra.

Khi bệnh viện công phát triển loại hình giường bệnh dịch vụ giải quyết được vấn đề thu nhập cho cán bộ y bác sĩ, đáp ứng nhu cầu của bộ phận người bệnh có tiền.

Nhưng cách làm này mang tới nhiều thiệt thòi cho bệnh nhân theo BHYT. Đặc biệt là những thiệt thòi về chuyên môn khi bác sĩ giỏi thường được ưu tiên cho lĩnh vực dịch vụ.

Kỳ vọng sự xóa bỏ giường bệnh dịch vụ thì quyền lợi của bệnh nhân BHYT được đáp ứng tốt hơn (ảnh minh họa - nguồn internet).

Kỳ vọng sự xóa bỏ giường bệnh dịch vụ thì quyền lợi của bệnh nhân BHYT được đáp ứng tốt hơn (ảnh minh họa - nguồn internet).

Trong khi nhiệm vụ chính của bệnh viện công không phải để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho số ít người bệnh có tiền mà đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho đại đa số người dân.

Liên quan đến vấn đề này,  trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết, với các bệnh viện công lập, đặc biệt bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai thì nhiệm vụ đầu tiên phải tính đến là cung cấp các dịch vụ thiết yếu.

Hiện nay, việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại bệnh viện này chưa đáp ứng được như yêu cầu. Cụ thể, còn tình trạng nằm ghép giường bệnh, hoặc bệnh nhân không có cơ hội điều trị. Vì thế, bệnh viện này chưa thể tính tới phát triển phòng điều trị theo yêu cầu.

Tình trạng, khi phòng bệnh dịch vụ mỗi bệnh nhân một phòng, trong khi đó khu điều trị phổ thông lại xảy ra tình trạng nhiều người nằm chung một giường bệnh.

“Như vậy một người nằm điều trị theo yêu cầu sẽ lấy mất đi cơ hội cho 3 đến 4 người bệnh khác. Do đó, tạm thời hạn chế tiến tới xóa bỏ giường bệnh theo yêu cầu ở bệnh viện Bạch Mai là phù hợp” – ông Học nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, nếu sau này Bệnh viện Bạch Mai phát triển, khi đã cung cấp được nhu cầu khám chữa bệnh thiết yếu của người dân thì có thể đầu tư xã hội hóa bằng vốn góp để xây bệnh viện dịch vụ.

Khi phát triển khu dịch vụ thì phải tách bạch tài chính và điều trị. Đến lúc đó, Bệnh viện Bạch Mai phát triển khám bệnh theo dịch vụ sẽ không còn ai thắc mắc.

Một vấn đề khác bất hợp lý trong việc phát triển chữa bệnh theo yêu cầu đó là vấn đề quá tải về nhân lực và trang thiết bị. Trang thiết bị và con người của các bệnh viện công đến thời điểm này vẫn do nhà nước đầu tư.

Các cơ sở đó phải phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân trước. Khi mà nhu cầu thiết yêu chưa đáp ứng được thì chưa thể tính chuyện kinh doanh bằng việc phục vụ người giàu.

Hy vọng bệnh viện Bạch Mai thành hình mẫu tự chủ

Đồng quan điểm, bà Bùi Thị An đại biểu Quốc hội khóa 13 ủng hộ việc Bệnh viện Bạch Mai hạn chế phát triển giường bệnh dịch vụ tiến tới xóa bỏ. Bà An cho rằng, xã hội hóa trong y tế thì khuyến khích nhưng cũng phải chừng mực, tách bạch công tư và phù hợp với điều kiện sống của đại đa số người dân.

Trong khi, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Nguyệt khi chia sẻ về vấn đề này đã bày tỏ sự ủng hộ chủ trương xóa giường bệnh dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai. Bà cũng trông chờ vào hướng đi mới của bệnh viện này, nếu thành công thì đây là hình mẫu cho các bệnh viện trong quá trình tự chủ.

Trước đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin, hiện nay tỷ lệ giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu tại viện này được khống chế ở mức tối đa là 30%, lộ trình sẽ giảm xuống 20% và dần dần loại bỏ giường bệnh dịch vụ. Tất cả bệnh nhân đều được phục vụ tốt nhất có thể. 

Trong khi tiến sĩ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc bệnh viện này chia sẻ, khi không còn giường bệnh theo yêu cầu nữa tiến tới sẽ đưa ra các tiêu chuẩn, các gói dịch vụ để chăm sóc bệnh nhân.

Mục tiêu là các bệnh nhân đều được chăm sóc tốt nhất. Quyền lợi của người bệnh là quan trọng, chất lượng chăm sóc là ưu tiên hàng đầu.

Được biết, Bệnh viện Bạch Mai là một trong 4 bệnh viện (Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K) được thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các bệnh viện.

Đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020 -2021 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt . Một trong những mục tiêu chuyên môn được giao là phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện việc chăm sóc toàn diện, giải quyết được tình trạng quá tải.

Từng bước xây dựng bệnh viện hiện đại ngang tầm với các bệnh viện uy tín trong khu vực và trên thế giới và thực hiện tốt vai trò bệnh viện tuyến cuối.

Nguồn tin: Theo: Congluan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Wildcard SSL