Dị tật sơ sinh bàn chân khoèo: Biết sớm dễ chữa

Thứ sáu - 12/03/2021 03:27
Đón con chào đời vừa được vài ngày, niềm vui chưa hết vợ chồng sản phụ L.A trú tại Đông Thành – Thanh Ba hay tin con mắc dị tật bàn chân khoèo sơ sinh. Sản phụ L.A cho biết: “Khi mang thai được 6 tháng trong một lần khám thai và kiểm tra, bác sỹ cho hay em bé trong bụng có bàn chân cong rất có thể do dị tật bẩm sinh. Chị không tin, sinh bé chị vẫn hi vọng mọi điều bình an đến với con”. 

Các bác sĩ sau khi chẩn đoán, thực hiện một số thủ thuật cần thiết để xác định trẻ mắc khoèo chân đã trao đổi tình trạng bệnh lý của trẻ cùng gia đình, sau đó tiến hành thực hiện bó bột, nắn chỉnh chân cho bé ở ngày thứ 3 sau sinh, tận dụng thời gian vàng tiến hành nắn chỉnh chân cho trẻ. 

truoc khi nan
Trước khi các KTV tiến hành nắn chỉnh


Sau 2 lần nắn chỉnh hiện tại, tình trạng con sản phụ L.A ổn và tiếp tục tuân thủ tiến trình điều trị để lấy lại trạng thái chân hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác. 

Lan 1,2
Hình ảnh KTV sau khi tiến hành nắn chỉnh lần 1 và lần 2

Không chỉ riêng con của sản phụ L.A mà nhiều trẻ khác cũng có nguy cơ mắc dị tật khoèo bàn chân ở trẻ. Theo thống kê, cứ 1000 trẻ thì có 1 trẻ mắc dị tật khoèo bàn chân. Đây không phải là căn bệnh hiếm gặp và có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm mà không cần phẫu thuật. 

Tuy vậy, nhiều bố mẹ vẫn có suy nghĩ “trị tật ở chân thì phải phẫu thuật” dẫn đến nhiều trường hợp trẻ được bố mẹ được đưa đến khám và điều trị ở thời điểm 1-2 tuổi – khi việc điều trị bằng phương pháp bó bột, nắn chỉnh, phục hồi chức năng không còn mang lại hiệu quả. Lúc này, bắt buộc phải sử dụng các phương pháp phẫu thuật như cắt gân, chuyển gân,...để điều trị nhưng cho khả năng phục hồi hoàn toàn thấp, thời gian điều trị dài, chi phí cao.

Áp dụng phương pháp nắn chỉnh tư thế hoặc bó bột trong điều trị bàn chân khèo được xem là phương pháp hiệu quả, cho khả năng phục hồi cao ở những trẻ mắc dị tật bàn chân khoèo. Đa số các trường hợp dị tật bàn chân khoèo phát hiện sớm được chỉnh hình thành công mà không cần phẫu thuật từ 6-8 tuần. Tùy theo độ biến dạng của bàn chân mà bác sĩ sẽ áp dụng, phối hợp các phương pháp nắn chỉnh tư thế, phối hợp bất động bằng nẹp chỉnh hình, bó bột hoặc dùng băng thun.

nan chan 2
Kỹ thuật viên Đặng Ngọc Hà thực hiện thủ thuật nắn chỉnh cho bé


Kỹ thuật viên Đặng Ngọc Hà cho biết thêm: “Bó bột có thể tiến hành sớm ở trẻ mới sinh (2-3 ngày tuổi). Phương pháp này hỗ trợ điều trị hiệu quả, chi phí thấp, đặc biệt không làm tổn hại các tổ chức như cơ, dây chằng, của trẻ.”


Mỗi năm, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương điều trị và trả lại cuộc sống hoàn toàn lành lặn, bình thường cho nhiều trẻ không may mắc dị tật bàn chân khoèo. Quá trình điều trị được thực hiện chuyên nghiệp dưới sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ Sản khoa, Nhi khoa, Ngoại Chấn thương – Chỉnh hình – Thần Kinh, Kỹ thuật viên bó bột nhằm theo dõi, đánh giá tình trạng tiến triển và phục hồi biến dạng bàn chân ở trẻ. 

Tác giả bài viết: Vĩnh An

Nguồn tin: benhvienhungvuong.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Wildcard SSL