Làm thầy thật khó...

Thứ hai - 06/02/2017 22:13
SKĐS - Tuần trước giảng lâm sàng cho Y6, có cậu sinh viên hỏi một câu hỏi về điều trị lợi tiểu. Mình đã đặt một câu hỏi và giải thích cho cả tổ, nhưng có vẻ cậu ta chưa thỏa mãn và có chút khó chịu.

Tuần trước giảng lâm sàng cho Y6, có cậu sinh viên hỏi một câu hỏi về điều trị lợi tiểu. Mình đã đặt một câu hỏi và giải thích cho cả tổ, nhưng có vẻ cậu ta chưa thỏa mãn và có chút khó chịu.

Mình cũng chỉ nói với cậu ta và với cả tổ: Học lâm sàng là phải học với người bệnh, với từng ca cụ thể. Còn dù các bạn có ngồi nhà đọc nát quyển sách Dược lý hay bất cứ một cuốn sách nào đi nữa, mà không có lâm sàng thì cũng không thể tự tin mà điều trị bệnh được. Học lâm sàng mà không biết cách học, chỉ chăm chăm đi ngó ngó rồi đi hỏi linh tinh lên thì cũng không thu nạp được gì. Y học giờ là bằng chứng, là hướng dẫn điều trị, nhưng cũng có những thứ còn được gọi là kinh nghiệm, tức là phải thực hành nhiều, va vấp nhiều mới có trải nghiệm được. Người ta nói: “thầy già, con hát trẻ”, không phải là không có lý.Thực hành y khoa càng nhiều càng quý.

Thực hành y khoa càng nhiều càng quý.

Mình cũng nói với cậu ta: Mai kia khi trở thành bác sĩ, đối diện với người bệnh, với tính mạng của người bệnh thì chính em phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Em có thể theo kiến thức các thầy truyền thụ cho, nếu thấy nó hợp lý và hữu ích; hoặc em có thể không cần nhớ nó, nếu thấy nó là vô bổ. Nhưng vẫn phải nhớ rằng tính mạng người bệnh sẽ đặt trong tay các em. Còn cứ thấy lịch có buổi giảng mà cứ ngồi cả buổi sáng ở hành lang để tán phét và đợi thầy rót vào tai thì ra đến thang máy cũng rơi hết thôi.

Mình đi trực, thỉnh thoảng lại làm test:

- Y6: Ống lợi tiểu dung tích mấy ml? Em không biết. Bơm tiêm điện bao nhiêu ml? Em không biết. Liều tối đa furosemide nên là bao nhiêu? Em không biết. Đang truyền BTĐ 3ml/h, em tăng lên 6ml/h cho tôi xem. Xoay, xoay mãi không được...

- Sau đại học: Mục tiêu Hb ở bệnh nhân này là bao nhiêu? Cười. Mục tiêu sắt là bao nhiêu? Cười. Cho uống corticoide dặn bệnh nhân điều gì? Lại cười. Bệnh nhân này truyền nitroglycerin để làm gì? Lại cười...

Hôm nay lại test Y4 khi đi buồng: Nifedipin kéo dài bao nhiêu? Em không biết. Adalat LA dài bao lâu? Em không biết. Có mấy loại EPO? Không biết. AVF mổ ở đâu? Không biết. Có mấy loại dịch CAPD? Không biết...

Mình cười: Đó, lâm sàng là đó chứ còn ở đâu nữa. Các bạn cả một buổi sáng chỉ cần nghiên cứu một cái bệnh án là quá đủ và học được quá nhiều điều rồi.

Mình đi trực, rất nhiều lần không hài lòng với một bệnh viện tuyến tỉnh cũng khá lớn, cũng là bệnh viện thực hành của một trường đại học y, bệnh nhân nằm chán nằm chê, suy thận nặng lên, mặc dù có khoa Thận nhân tạo nhưng không lọc máu cho bệnh nhân, dù đang đêm hôm mờ sáng, vẫn làm một chuyến xe tống bệnh nhân lên Hà Nội. Mình nói với sinh viên: Bạch Mai lúc nào cũng uỳnh uỵch, 2-3h sáng các thầy vẫn phải đưa bệnh nhân đi đặt catheter lọc máu cho bệnh nhân mới lên. Không phải là chê tuyến dưới, nhưng do với các trường y khác, các em có môi trường thực tập chưa hẳn là lý tưởng, nhưng cũng hơn hẳn người ta, ít nhất là về mặt bệnh và kỹ thuật rồi. Chỉ còn việc học nữa thôi.

Nhiều lúc chợt nghĩ, nghề y giống như nghề đầu bếp vậy. Cùng số nguyên liệu và dụng cụ như vậy, nhưng có người nấu ăn ngon, có người nấu ăn dở, có người trình bày đẹp mắt, có người trình bày thì nhìn chẳng dám ăn. Cái đó là do trình độ, kỹ năng và độ tinh tế của từng đầu bếp khác nhau...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Wildcard SSL