MẶT TRÁI CỦA Y TẾ TƯ NHÂN

Thứ ba - 11/07/2017 10:51
Một đương kim Giám đốc Sở Y tế của một thành phố lớn tâm sự với tôi, rằng Thành ủy chất vấn anh ấy về vụ chảy máu chất xám, vì có nhiều bác sĩ ở bệnh viện công xin nghỉ việc để sang bệnh viện tư làm việc.

Anh ấy khá bức xúc: "Tại sao lại gọi là chảy máu chất xám? Ở bệnh viện công hay bệnh viện tư thì họ cũng khám chữa bệnh, cũng phục vụ nhân dân cả chứ". Đấy là câu anh ấy nói với tôi. Còn không biết anh ấy trả lời Thành ủy làm sao, nhưng sau đó, không thấy ai "truy cứu trách nhiệm" các bác sĩ xin nghỉ bệnh viện công ra bệnh viện tư làm việc cả.

Nhưng cán bộ lãnh đạo không được nhiều người như vậy. Đa phần, họ vẫn chỉ quan niệm tư nhân là kẻ thù của giai cấp thống trị trong chế độ XHCN. Đối với họ, những cơ sở y tế tư nhân chỉ là nơi chém chặt người bệnh lấy tiền với đầy rẫy tiêu cực. Họ cho rằng, chỉ có cơ sở y tế công mới thực sự là y tế.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, từ khi thành lập một số BV tư đến nay, Sở đã mất 48 cán bộ y tế, trong đó có 23 bác sĩ. Và bà cho rằng, đây là mặt trái của phát triển y tế tư nhân. Thưa bà Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, theo bà thì thế nào là mặt trái của y tế tư nhân?

Còn ông Huỳnh ĐứcThơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thì thẳng thắn đe dọa các bệnh viện tư nhân: "...chứ không phải đến các bệnh viện của tôi rồi đưa giá trả lương cao lên để đưa người ta về”. Xin hỏi ông Huỳnh Đức Thơ, bệnh viện nào là của ông, và bệnh viện nào thì không phải của các ông?

Lẽ ra, những người lãnh đạo phải công bằng, phải nhận thấy, rằng y tế tư nhân chính là phương tiện giúp cho người dân được hưởng những tiện ích của dịch vụ y tế cao cấp mà y tế công hiện nay chưa thể làm được. Đằng này, các vị lại đứng ở thế đối lập với y tế tư nhân.

Xin thưa, cái thời mà các vị dùng quyền lực để o ép nhân viên y tế chúng tôi, bắt làm là phải làm, bắt bỏ rơi người bệnh nào mà các vị căm ghét là phải bỏ rơi, trả công như thế nào cũng phải nhận, muốn chúng tôi im là phải im... đã qua rồi. Các vị không còn tự do lũng đoạn ngành y, lũng đoạn y đức nữa.

Nhận thấy xu thế tư nhân hóa là không thể đảo ngược, nên để duy trì quyền lực của mình, các vị đã đưa ra chính sách tư nhân hóa bệnh viện công. Các vị cắt xén cơ sở vật chất dành cho những người bệnh nghèo, lấy ra hùn với tư nhân, tạo ra những lãnh địa tư nhân trong các bệnh viện công. Các vị trục lợi trên quyền lợi của những bệnh nhân nghèo.

Việc tạo ra các cơ sở y tế công "hồn Trương Ba, da hàng thịt" mới là "mặt trái của y tế tư nhân", và chính nó mới tạo ra những cái mà các vị gọi là "bệnh viện của tôi". Và đó chính là lí do vì sao các vị kiên định với đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ở các nước tiên tiến, các bác sĩ và nhân viên y tế cấp cao được toàn quyền quyết định làm việc ở đâu và bao lâu. Họ thường làm việc ở 2, 3 thậm chí nhiều hơn, cơ sở y tế, bất kể công hay tư. Ở các nước đó, chính quyền cho rằng việc chăm sóc sức khỏe cho người dân là nhiệm vụ của họ. Để người dân được chăm sóc tốt nhất, họ dành những khu vực có thể sinh lời cho y tế tư nhân. Nhà nước tập trung nguồn lực cho bệnh nhân nghèo.

Ở Việt nam, những công bộc của chính quyền lại lợi dụng chính sách tư nhân hóa để đưa người của mình vào, tạo ra các cơ sở y tế công "hồn Trương Ba, da hàng thịt", hòng tranh giành với y tế tư nhân những khâu béo bở nhất, làm tha hóa y đức của một bộ phận nhân viên y tế.

Để đảm bảo quyền lợi của mình, những người có quyền đã áp dụng chính sách cát cứ nhân sự. Tình trạng cát cứ nhân sự dẫn tới việc sử dụng nhân sự y tế vào những việc hành chính, vừa lãng phí nhân sự, vừa thể hiện sự coi thường chất xám.

Đất lành chim đậu. Những người có quyền lực trong tay hãy đừng cố ý cắm chông lên những mảnh đất của y tế tư nhân. Hãy để cho chất xám được đến những nơi nó được trân trọng và được sử dụng hiệu quả nhất. Hãy để nhân viên y tế tự quyết định nơi làm việc của họ.


Nguồn: Facebook: Xuân Sơn Võ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Wildcard SSL