Nhi khoa dự phòng (Phần 1)

Thứ bảy - 09/01/2016 00:59
Sức khỏe, sự phát triển của mỗi trẻ là phản ảnh sự tương tác của nhiều yếu tố:
Các yếu tố quyết định sức khỏe trẻ em.
Sức khỏe, sự phát triển của mỗi trẻ là phản ảnh sự tương tác của nhiều yếu tố:
  • Vốn di truyền của từng cá thể.
  • Yếu tố môi trường, bao gồm dinh dưỡng, nhà ở, tập quán, khí hậu.
  • Chất lượng chăm sóc, quan hệ giữa trẻ và người chăm sóc, nhất là người chăm sóc ban đầu.
  • Hoàn cảnh xã hội, chính trị, kinh tế nơi trẻ sống.
  • Chăm sóc sức khỏe, dự phòng bệnh tật.
Vốn di truyền cá thể phụ thuộc nhiều vào nòi giống, dân tộc, gia đình, bố mẹ. Có thể cải tạo được yếu tố di truyền nhưng phải trải qua nhiều thời gian. Chăm sóc sức khỏe trẻ em phải nhằm phát huy tối đa vốn di truyền sẵn có của trẻ, hạn chế các hậu quả của yếu tố di truyền bất lợi cho trẻ.
Dinh dưỡng có tầm quan trọng đối với sự phát triển và tăng trưởng, giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, phát triển tốt về trí tuệ, cảm xúc và tăng cường miễn dịch chống đỡ với nhiễm khuẩn.
Dinh dưỡng đầy đủ cho người mẹ có thai làm tăng cường phát triển thai, tránh được lập trình sinh học" nguy cơ cao với một số bệnh mạn tính cho trẻ sau này. Dinh dưỡng đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu có giá trị phòng bệnh, giảm nguy cơ một số bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp ở tuổi lớn lên.
Điều kiện nhà ở, khí hậu, thời tiết cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nhà ở ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thời tiết mùa đông ít ánh nắng là nguy cơ cho trẻ bị còi xương.
Chất lượng chăm sóc, mối quan hệ giữa trẻ và người chăm sóc ban đầu, sự chăm sóc của gia đình giúp trẻ phát triển mạnh về tinh thần, trí tuệ, vận động. Giáo dục tốt ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo hết sức quan trọng, giúp trẻ hình thành tính cách, phát triển toàn diện. Cũng cần nhấn mạnh, sức khỏe của người mẹ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Giáo dục học đường giúp trẻ phát triển trí tuệ, tính sáng tạo một cách toàn diện.
Hoàn cảnh kinh tế, xã hội – chính trị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe trẻ em. Sự bất bình đẳng giữa nước giàu với các nước đang phát triển tạo ra sự khác biệt về sức khỏe trẻ em [45]. Ngay cả ở trong các nước giàu, các chỉ tiêu sức khỏe trẻ em cũng khác nhau giữa trẻ có hoàn cảnh thuận lợi và không thuận lợi. Ví dụ ở Scotland, tỷ lệ tử vong ở trẻ nghèo khổ cao gấp 2 lần so với trẻ nghèo khó [46]. Việt Nam được xếp trong nhóm các nước có tỷ lệ tử vong trẻ em < 1 tuổi thấp trong khu vực chân Á – Thái bình dương và gần với các nước có mức thu nhập bình quân theo đầu người cao hơn nhiều lần [52]. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong sơ sinh, trẻ < 1 tuổi và trẻ < 5 tuổi tại các vùng nông thôn cao hơn 2 lần so với các vùng thành thị, tỷ lệ tử vong sơ sinh trong các nhóm dân tộc thiểu số cao gấp 2 đến 3 lần so với người kinh.
    Bên cạnh hiệu quả sâu rộng của tác động chính trị, tiến bộ về kinh tế, cải thiện về giáo dục và thay đổi về xã hội với sức khỏe trẻ em, dịch vụ chăm sóc y tế có tác động lớn trong việc cải thiện sức khỏe, giảm thấp tỷ lệ tử vong trẻ em.
    Từ ngày công ước quốc tế về quyền trẻ em ra đời, các quốc gia đã có nhiều chiến lược hướng theo chăm sóc dự phòng, tập trung các hoạt động vào tăng cường sức khỏe trẻ em, phát triển trẻ em, dự phòng bệnh và tàn tật cho trẻ em. Để cải thiện tối đa sức khỏe trẻ em, dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải đạt một số tiêu chuẩn sau:
  • Rộng khắp, tới mọi tầng lớp nhân dân.
  • Toàn diện, tập trung vào tăng cường sức khỏe, phòng bệnh và chữa bệnh.
  • Lồng ghép các dịch vụ khác có lợi cho sức khỏe trẻ em, đặc biệt là dịch vụ xã hội và giáo dục.
  • Đáp ứng mọi nhu cầu về sức khỏe nhân dân.
  • Tập trung vào sức khỏe cá thể của trẻ em và gia đình trẻ.
  • Dựa trên bằng chứng và chất lượng lâm sàng cao.
  • Mục tiêu giảm sự bất công về chăm sóc sức khỏe.
     Đường lối y tế Việt Nam ngay từ những năm sau 1945 đã lấy phương châm dự phòng  là chính. Mạng lưới y tế phát triển rộng khắp trong cả nước đã mang lại hiệu quả to lớn về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ tử vong trẻ em < 1 tuổi và < 5 tuổi đã giảm 1 cách đáng kể và đều đặn trong những năm gần đây và hiện nay đang ở mức thấp trong khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương.
Phạm trù dự phòng bệnh tật   
Nội dung của phòng bệnh thường được phân ra làm 3 cấp, dự phòng cấp một, cấp hai và cấp ba [27]
Dự phòng cấp một hay dự phòng tiên phát có mục đích làm giảm tần suất mới mắc bệnh, bằng cách kiểm soát nguyên nhân hay các yếu tố nguy cơ. Ví dụ như tiêm vacxin sởi để phòng sởi hay uống vacxin bại liệt phòng bệnh bại liêt, điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn để phòng bệnh thấp tim, bổ sung iode vào muối ăn để dự phòng bướu cổ, bổ sung folat trước sinh cho người mẹ có thai để dự phòng dị tật ống thần kinh thai nhi, sử dụng bao cao su để phòng nhiễm HIV.
Phòng bệnh cấp hai hay phòng bệnh thứ phát với mục đích làm giảm tần suất bệnh lưu hành, hay phòng bệnh tái phát, bằng cách chẩn đoán và điều trị sớm, để tiến tới khỏi bệnh hay giảm hậu quả nặng nề của bệnh. Ví dụ như sàng lọc suy tuyến giáp ở trẻ sơ sinh để điều trị thay thế thyroxine sớm và dự phòng chứng đần độn, sàng lọc thính lực sơ sinh để cải thiện bệnh điếc ở trẻ em. Phòng bệnh cấp hai còn mục đích để phòng bệnh tái phát. Ví dụ tiêm penixilin cho trẻ đã bị bệnh thấp tim để dự phòng bệnh tái phát nặng hơn. Phòng bệnh cấp hai còn được áp dụng cho biện pháp ngừng có thai để tránh sinh ra những trẻ sơ sinh có những khuyết tật nặng nề.
Phòng bệnh cấp ba với mục đích làm giảm tiến triển hay biến chứng của bệnh, hạn chế hậu quả của bệnh, bao gồm các biện pháp để hạn chế tật nguyền do bệnh hay do tai nạn thương tích. Ví dụ phòng bệnh cấp ba bằng biện pháp phục hồi chức năng cho trẻ mắc bệnh bại liệt để trẻ có thể hòa nhập cuộc sống, cải thiện sức khỏe cho trẻ.          

(Còn tiếp...)
 

Tác giả bài viết: Bs CKII. Lê Thị Nga - Khoa Nội Nhi, BVĐK Hùng Vương

Nguồn tin: benhvienhungvuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Wildcard SSL