Sáng ấm tình đời

Thứ năm - 24/12/2015 00:20
Chẳng lẽ để con chờ chết, "còn nước còn tát", tôi đưa con vào bệnh viện Hùng Vương - Đoan Hùng, khi nào tắt thở thì đưa về quê lo hậu sự.
Sáng ấm tình đời
Mấy chục năm trước, từ quê hương Hà Tây, ông bà Lê Văn Bàn - Nguyễn Thị Kim lên xưa đạo Trại Cỏ, xã Nghinh Xuyên, huyện Đoan Hùng lập nghiệp. Họ có với nhau 4 người con. Anh cả đưa vợ con vào Đắc Lắc làm ăn và đã quyết định gắn bó lâu dài với Tây Nguyên. Anh con thứ là Lê Chí Công, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, học nghề lái xe nhưng công việc thất thường. Nhân việc anh Cả làm nhà, Công và mẹ cùng vào Đắc Lắc đỡ đần. Xong nhà cho anh, Công chưa trở về quê cùng mẹ mà ở lại làm thuê kiếm thêm chút tiền để nay mai cũng làm nhà cho mình. Ngày 8-9 vừa qua, trong lúc vận hành máy trộn bê tông, Công bị điện giật, nguy kịch đến mức "mười phần chết chín". Mọi người đưa Công vào cấp cứu ở Bệnh viện Buôn Mê Thuật, sau đó chuyển tiếp lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc. Sau một tuần chạy chữa, tình trạng sức khỏe của Công ngày càng xấu đi, gia đình xin chuyển anh ra bệnh viện Bạch Mai. Nhập viện buổi chiều, qua thăm khám, hội chẩn, cấp cứu tịch cực, sáng hôm sau, Bệnh viện Bạch Mai khuyên gia đình đưa bệnh nhân đã chết não về nhà, hy vọng sống chỉ còn một phần nghìn! Người mẹ đau đớn đưa con về quê. Chẳng lẽ để con chờ chết, "còn nước còn tát", bà đưa con vào bệnh viện Hùng Vương - Đoan Hùng, khi nào tắt thở thì đưa về quê lo hậu sự. Tự biết điều kiện kỹ thuật và trình độ chuyên môn của mình không thể bằng Bệnh viện Bạch Mai, hay Bệnh viện tỉnh Đắc Lắc, nhưng gần 4 tháng nay, với tấm lòng người thầy thuốc, các y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương kiên trì giành giật sự sống cho Công. Nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, phải thở bằng máy, đến nay, anh Công đã có dấu hiệu phục hồi, không phải hỗ trợ hô hấp, đã nhận biết người thân, đã nuốt được nước cháo, sữa. Chưa thể tiên lượng mức độ phục hồi đến đâu nhưng cánh cửa hy vọng sống của Công đã rộng mở.
            Tai nạn đối với chàng trai 33 tuổi ở xứ đạo Trại Cỏ và quá trình chạy chữa cho anh có thể tóm tắt như vậy. Điều mà tôi muốn kể kỹ hơn với bạn đọc là câu chuyện sáng ấm tình người, tình đời đồng hành với quá trình chạy chữa cứu mạng Lê Chí Công.
            Công đã từng có một gia đình riêng. Khi con gái vừa đầy tuổi tôi, cô vợ đòi đi xuất khẩu lao động bằng được. Và, người phụ nữ ấy đã "một đi không trở lại", theo cuộc tình mới, quyết rời bỏ chồng con ở chốn quê nghèo. Khi con đến tuổi đi học, Công gửi lại nhờ ông bà nội trông nom, còn mình lên Sơn La lái xe kiếm sống. Bạn bè cho Công số điện thoại của một người đồng hương Hà Tây đang cùng gia đình sinh sống ở Sơn La, coi như sự chắp mối nhân duyên. Vậy là, Công và cô ấy thường xuyên gọi điện, nhắn tin cho nhau, rồi họ phải lòng nhau lúc nào không biết. Hơn một năm kể từ cuộc gọi đầu tiên, họ mới gặp nhau. Đã hiểu nhau, thương nhau, dù biết bạn gái hơn mình vài ba tuổi nhưng Công vẫn dự định đi đến hôn nhân. Ngày vui chưa tới thì tai họa đã đến với Công. Hay tin anh bị nạn, Hoàng Thị Tuyến xin phép mẹ già, tức tốc vào Đắc Lắc chăm sóc người yêu. Đã gần 4 tháng nay, chưa ngày nào Tuyến rời xa Công. Thường là cô phải thức cả đêm theo dõi dịch truyền, hút đờm, nặn bóp tứ chi co quắp cho Công. Ngay cả khi sự sống của Công mong manh nhất, Tuyến vẫn không nản lòng.
Không hy vọng sự phục hồi của con mình, thương con người ta mấy tháng ròng vất vả sớm hôm, bà Kim đôi ba lần nhắn nhủ Tuyến: Hay là con về trên Sơn La kiếm việc làm, gặp ai thì xây dựng hạnh phúc với người ta? Thằng Công thế này, nếu sống thì cũng khó có thể trở lại bình thường! Lấy nó con sẽ phải hy sinh rất nhiều. Con mãi là con gái của bố mẹ. Mắt ngấn nước, Tuyến chỉ nói một điều: - Con yêu, con thương anh Công, con không nỡ bỏ anh trong lúc này. Đã mấy tháng nay, mọi người bở buồng bệnh hồi sức cấp cứu Bệnh viện Hùng Vương ai cũng khen nhà bà Kim có phúc. Chưa cưới hỏi, ràng buộc gì với nhau, nhưng Tuyến chăm sóc Công bằng cả tấm lòng nhân hậu của mình. Người như thế thật hiếm!


             Bà Kim mới 56 tuổi nhưng nỗi vất vả mấy năm chăm cháu bị mẹ để bỏ rơi, nỗi chật vật chăm con tai nạn trong túng thiếu ròng rã mấy tháng trời khiến người mẹ nông dân gầy xọm. Bà kể, gần 4 tháng chạy chữa cho con đã chi phí hết 270 triệu đồng. Thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng được 100 triệu, còn lại phần thì anh em, bà con đỡ đần, phần nữa phải vay lãi mỗi tháng "ba phân". Mấy tháng nay, mỗi bữa bà chỉ ăn 5 nghìn tiền cháo. Biết gia cảnh vô cùng khó khăn của gia đình người bệnh, lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương đã quyết định miễn phí phần cháo của bệnh nhân và khẩu phần ăn hàng ngày của cô Tuyến. Ông Chủ tịch HĐQT của Bệnh viện còn hướng dẫn bà làm đơn, xin địa phương xác nhận hoàn cảnh để có thể tối đa hóa các quyền lợi BHYT và xem xét giảm viện phí cho người bệnh. Ông còn có ý định vận động các nhà hảo tâm nhiệt thành giúp đỡ bà Kim trong hành trình dài ngày chữa trị cho con.


            Trước tiết giá lạnh của ngày lễ Noel, kể lại câu chuyện sáng ấm tình người, tình đời trong hành trình giành giật sự sống của một bệnh nhân nghèo không may gặp tai nạn thương tâm, chúng tôi hy vọng điều này sẽ khơi gợi tiếp nguồn mạch tình người để chia sẻ khó khăn với một gia đình ở khu 4, xứ đạo Trại Cỏ xã Nghinh Xuyên.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Sản

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Wildcard SSL